Kí ức giờ phút giải phóng Sài Gòn – Ngô Tấn Quân.
Tháng 4, làm mình nhớ lại những ngày tháng gian khổ nhưng rất hạnh phúc.
Sau gần 1 tháng hành quân từ Long Khánh về Củ Chi, xuống Mỹ Tho, đến Bến Tre, rồi được lệnh trở về ngoại ô thành phố Sài Gòn.
Nhưng tưởng ở đâu, ai nhè điểm tập kết lại quân nằm sát quốc lộ 4 (nay là Quốc lộ 1).
Hàng ngày, tiếng còi xe GMC của quân địch nghe rõ mồn một. Chín Giang được phân công làm đội phó, đồng chí Mười Minh (Huỳnh văn Minh) là đội trưởng. Lúc bấy giờ đơn vị chúng tôi thuộc lực lượng võ trang biệt động Thành Đoàn, được chia làm ba cánh quân. Cánh một do đồng chí Mười Minh làm đội trưởng vào ngã Bình Tân, cánh hai do đồng chí Mười Hưng làm đội trưởng vào ngã quận 6, cánh ba do Đồng chí Ba Tung vào ngã Hóc môn.
Không ai nói với ai, nhưng chúng tôi đều biết rằng lần này chúng tôi lại vào trận như hai đợt Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968.
Nhưng niềm tin tất thắng của trận tiến công vào sào huyệt địch lần này là vô cùng to lớn. Ai ai cũng muốn giờ N (giờ xuất kích) đến sớm. Anh Quốc Chính (Nguyễn văn Thừa, sau này là Phó Giám đốc Công ty Cấp nước thành phố Hồ Chí Minh) nói: “Không có gì nóng ruột bằng đợi chờ!”.
Hàng ngày, công việc của chúng tôi là chia ca canh gác. Một đồng chí leo lên chảng ba cây bần to, dùng ống nhòm quan sát bốn phía để đề phòng địch đi bố ráp. Từ đài “quan sát cây bần”, chúng tôi thấy rất rõ đài rada Phú Lâm, các quận 5, quận 6… nhất là quốc lộ 4 (nay là Quốc lộ 1) từ thành phố Sài gòn đi miền Tây.
Với nội quy: NÓI THẦM, NẤU KHÔNG KHÓI, TỐI KHÔNG LỬA, radio phải nghe bằng tai nghe. Phương châm đánh địch là: “KHI NÀO ĐỊCH ĐẠP TRÚNG CHÂN THÌ MỚI BẮN HẠ CHÚNG”.
Ngày 25/4/1975, chúng tôi vui mừng, phấn khởi, ôm nhau, siết chặt tay nhau khi nhận được lệnh từ Bộ chỉ huy tiền phương: “Cánh Tây Tây Nam, tất cả cán bộ, chiến sĩ hãy sẵn sàng, khi Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu thì phải có mặt ở nội ô thành phố Sài Gòn đúng N-1, tức là vào trước bộ đội chủ lực một ngày). Đồng chí Mười Minh đọc mật lệnh cho toàn đội nghe và còn nói thêm: “Chú Mười Hương căn dặn, đội võ trang biệt động thành phố Thành Đoàn phải làm nòng cốt, vừa diệt ác, phá kìm, vừa phát động quần chúng, làm tốt công tác dân vận và tập hợp giáo dục thanh niên khi tiếp quản”.
Từ 26/4/1975, không khí chuẩn bị ở đây ngày thêm khẩn trương. Mỗi ngày liên lạc viên đều bơi xuồng đi nhận lệnh. Tất cả chúng tôi ai nấy đều luôn kiểm tra lại vũ khí, bồng bị, đèn pin, lương khô…
Ngày 27/4/1975, tôi được phân công tổ chức cho anh em học tập về chính sách của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam đối với vùng mới giải phóng. Anh Mười Minh thì hướng dẫn kinh nghiệm đánh địch trong nội thành cho các chiến sĩ ở nông thôn chưa vào trong nội thành lần nào.
Ngày 28/4/1975, như mở cờ trong bụng, tin vui từ đài Phát thanh Giải phóng: Không quân ta dùng máy bay F5 (máy bay phản lực Hoa kỳ) lấy từ sân bay Đà Nẵng ném bom xuống sân bay Tân sơn Nhất đã làm địch trong thành phố Sài gòn rất hoang mang.
Tối 28/4/1975, trong lúc chúng tôi chuẩn bị thực tập chống càn, thì ôi! Vui sướng làm sao! từ đây, trong vòng hơn 10 hecta rạch ruộng, tên lửa của ta đã bay lên vun vút làm sáng rực cả một vùng trời. Tiếng của chị phát thanh viên đài Phát thanh Giải phóng mạnh mẽ hùng tráng vang lên “…CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH LỊCH SỬ BẮT ĐẦU“. Tôi leo lên cây bần đặt ống nhòm nhìn về hướng Tân Sơn Nhất, lửa đã cháy sáng rực cả một góc trời. Tôi reo lên “Tân Sơn Nhất cháy rồi anh em ơi!“.
“Xuống đi Chín Giang”, anh Mười Minh hét to. Một loạt pháo bầy của địch đã ào ào bay xè xè ngang qua đầu tôi rồi rơi vào hàng dừa nước ngay con rạch nhỏ cách chỗ đóng quân hơn 100 mét. Tôi và toàn đội kịp thời nhảy xuống công sự.
Pháo địch bắn rát, bùn khói bay đầy xung quanh hầm của chúng tôi. Trọn đêm 28/4/1975, địch ở Bình Chánh, Tân Trụ, Bến Lức nã vào trận địa tên lửa của ta hàng trăm quả pháo đủ loại. Nhưng tất cả chúng tôi, kể cả các đơn vị bộ đội không ai hy sinh.
7 giờ sáng 29/4/1975, tiếng máy bay trực thăng cán gáo nghe bành bạch, càng lúc càng gần. Rồi một con “đầm già” (máy bay IL19) chỉ điểm cũng đến, nó lượn ba vòng rồi phóng xuống con rạch hai trái khói màu (chỉ điểm cho trực thăng địch đánh phá).
Hai chiếc Trực thăng “cá nóc” (HU1A) chỉ chờ có thế, chúng dội xuống rạch và bìa rạch hàng loạt hoả tiễn, hàng mấy loạt đại liên và cả M79. Tiếng hỏa tiễn xé tai, tiếng đại liên nhức óc. Chưa hết, liền sau đó hai chiếc Khu trục tới, nó đảo một vòng rồi ném xuống hai quả bom. Bom nổ khoét lổ to ở bờ ruộng gần con rạch nơi đội Biệt động Thành Đoàn đóng quân.
Sình, miểng bom bay lên, chém đứt hàng loạt ngọn dừa nước trên rạch. Anh Mười Minh ngồi cạnh miệng hầm thì cũng phải lùi sâu vô trong.
Khu trục vừa vòng ra thì Cá nóc lại vòng tới. Lần này nó bạo gan hơn, xuống thấp hơn, tôi ngồi trong hầm nhìn lên thấy rõ cái thằng ngồi trên chiếc Cá nóc.
Bổng, “uốt pình”, chiếc trực thăng Cá nóc trúng đạn, bốc lửa và đâm đầu xuống ruộng, “ầm”. Nó tan xác.
Lại “uốt pình”, chiếc thứ hai chưa kịp quay đầu chạy, lại đã trúng đạn của ta, nó cấm đầu xuống lùm dừa nước cạnh bờ ruộng.
Mấy phút sau, hai chiếc Khu trục lại đến. Có cả chiếc IL19 (con đầm già lúc này). Tôi nghĩ thầm, nó cũng toi mạng thôi. Thật vậy! ” uốt pình”, “uốt pình”, “uốt pình”, chỉ trong phút chốc mà hai chiếc Khu trục và một Trực thăng HU1A trúng đạn cấm đầu xuống ruộng cạnh nơi chúng tôi đóng quân.
Chiếc IL19 bay chưa tới trận địa, thấy năm chiếc máy bay đồng bọn bị bắn rơi, vội vã quay đầu chạy, nhưng ,”uốt pình” đuôi nó bốc khói.
Tôi và các đồng chí võ trang biệt động Thành Đoàn phóng lên khỏi công sự reo to “Hoan hô Bộ đội phòng không”. Sau này, chúng tôi biết bộ đội ta đã dùng tên lửa tầm nhiệt loại nhỏ, sáu trái tên lửa bắn rơi sáu chiếc máy bay.
6 giờ chiều ngày 29/4/1975, chúng tôi bắt đầu được lệnh “XUẤT KÍCH”. Mưa tầm tã suốt chiều đến tối, dù có tấm nylon che mưa nhưng chúng tôi không dùng, vì có che cũng ướt. Suốt đoạn đường hành quân tiến vào nội thành, chúng tôi không còn bị địch bắn nữa. Trên trời có chiếc Dacota 123, bay vòng vòng, có lẽ Sân bay Tân Sơn Nhất cháy nó không dám đáp xuống (?).
Qua đường lộ Đại Hàn, đi khoảng 3km là tới chợ Bình Trị Đông. Khi chúng tôi dừng chân bên đường gần mấy căn nhà lá, có mấy bụi cây, chờ giao liên bắt liên lạc với cán bộ nội thành, để nắm tình hình địch có phục kích trên đường đi hay không. Có hai Bà mẹ ra hỏi: “Về rồi hả con?”. Tôi lấy làm lạ! Và chỉ một lúc sau, hàng chục mẹ và các chị đến, mỗi người bê trên tay một rổ bánh Ít, bánh Tét. Các mẹ, các chị phát cho chúng tôi mỗi người một cái bánh.
Tôi hỏi “Má ơi, tháng này đâu phải Tết mà bánh Tét, bánh Ít nhiều quá vậy Má?. Má nhìn tôi rồi cười nhân hậu, “cái thằng, các Má chờ các con và biết hôm nay các con về, đài nói CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH ĐÃ BẮT ĐẦU là má biết chứ sao!”.
Đúng là mình quá lạc hậu với tình hình (tôi nghĩ vậy). Các Má nắm tin tức qua đài Phát thanh Giải Phóng và đã chuẩn bị đón bộ đội về Sài Gòn, mà mình không biết gì cả!. Thật hạnh phúc! thật ấm lòng tình quân dân. Các Mẹ đã sẵn sàng như cả Nước đã sẵn sàng.
Chia tay các Mẹ, các chị, chúng tôi tiếp tục hành quân, và đúng 0 giờ 15 ngày 30/4/1975, chúng tôi đã đến địa điểm chốt quân. Đó là khu phố ở phường 20 quận Tân Bình, (nay gần đường Lũy Bán Bích).
Trong lúc chúng tôi phân tổ và tìm vật dụng làm công sự thì một em trai khoảng 14 tuổi đến bên tôi nói. “Anh giải phóng ơi, đằng kia có một trạm Nhân dân tự vệ”. Tôi cảm ơn em và cùng hai chiến sĩ biệt động Thành Đoàn tiến đến trước cửa trạm.
Đó là một căn nhà tường nhỏ xây ngay góc phố. Tất cả đều ngủ say, súng treo lung tung, nào carbin, AR15… Hai đồng chí đi theo tôi nâng súng ngang tầm bắn để phòng bất trắc. Tôi bước qua cửa, dùng bàn chân khều vào cẳng chân một thanh niên mặc áo rằn ri. “Dậy đi, Giải phóng quân nè!”
“Đ.m đừng phá, để tao ngủ”, người thanh niên bực bội.
“Thật mà, mở mắt ra nhìn xem”. Tôi vừa nói to vừa ấn bàn chân mạnh hơn vào chân người thanh niên.
Người thanh niên dụi mắt, nhìn tôi từ chân đến đầu rồi lấp lấp nói không ra lời: “Dạ… dạ… con… lở… không biết…”.
Tôi nghiêm giọng: “Chúng tôi, Quân Giải phóng miền Nam, biết các anh bị bắt buộc, anh kêu tất cả dậy, về nhà đi, súng đạn và quân trang, quân dụng để lại, từ này về sau các anh khỏi đi gác cho trạm này nữa”.
Tất cả gọi nhau dậy, cởi quân trang bỏ lại ra về. Tôi gôm tất cả súng, dùng dây buộc lại rồi cho vào gốc nhà (sáng hôm sau giao cho các anh chị cán bộ Liên Quận).
Thời gian đi nhanh quá! Chúng tôi vừa ăn cơm xong thì trời đã sáng. Cùng với cánh dân sự, anh Năm Nghị (Phạm Chánh Trực), anh Hai Bằng, anh Út Tâm (Nguyễn Văn Phúc), chị Út Phượng, Mười Quân (Trương Nhật Quang), với các đồng chí Liên Quận phát loa kêu gọi đồng bào nhường cơm xẻ áo cho người nghèo, cùng đào công sự, hầm tránh bom, không chạy tản cư như hồi năm Mậu Thân 1968 nửa!.
Một bà Mẹ đến gần nhìn lên chiếc mũ tai bèo của tôi rồi chỉ vào chiếc huy hiệu Bác Hồ hỏi “Có phải Bác Hồ không con?”.
“Dạ phải” tôi trả lời.
“Con cho má được không?”.
Xúc động quá! Tôi nhìn Mẹ, mắt mẹ rưng rưng. Tôi thưa với Mẹ: “Mẹ ơi, con còn phải hành quân và chiến đấu! Nếu chiến thắng con sẽ trở lại kính tặng Mẹ Huy hiệu Bác Hồ Mẹ nhe”. (sau này tôi đã trở lại thăm Mẹ và tặng Mẹ huy hiệu Bác Hồ, và nhận người con trai của Mẹ vào Quận Đội Quận 11).
Đến 11 giờ ngày 30/4/1975, chúng tôi nghe đài Phát thanh Sài Gòn. “Tất cả Quân Đội, ai ở đâu thì ở đó…” – Đó là tiếng của Tổng Thống – Dương Văn Minh.
Sau ít phút, lệnh của Đồng chí Mười Minh “Hành Quân”.
Trên đường đi, không khí thật là tưng bừng rộn rã. Hàng ngàn người dân đổ ra đường xem Bộ Đội. Chúng tôi đi giữa rừng người đông nghẹt, ai cũng hân hoan, có người xin chạm tay vào huy hiệu Bác Hồ, có người xin bộ đội chậm chân để nhìn đôi dép râu.
Một người rồi 5,10 người reo to: “Thắng rồi!”.
“Dương Văn Minh tuyên bố giao lại cho phía bên kia”.
“Còn gì nữa mà bên này, bên kia, Giải phóng đánh vô, Quốc gia đầu hàng”.
“Quốc gia gì! tay sai thì có!”.
Chúng tôi đi giữa đường phố Sài gòn với tình thương yêu vô hạn của người dân. Ở đâu người dân cũng nhìn chúng tôi với ánh mắt yêu thương, trìu mến. Một em bé khoảng 13 tuổi, vừa chạy theo vừa nhìn tôi. “Chú đi lẹ quá!”, em vừa nói thì vừa vấp ngã. Tôi quay lại dìu em đứng dậy. “Không sao chú ơi” em nói, khi chân em rớm máu.
Chúng tôi tiến vào cổng Dinh Quận trưởng Quận 11 đúng 11 giờ 34 trưa ngày 30/4/1975.
Quận 11, ngày 06/04/2017
Ngô Tấn Quân
BAN LIÊN LẠC CỰU CÁN BỘ ĐOÀN QUẬN 11